Nghề thám tử ‘chui’ ở Việt Nam
Nghề thám tử tư tồn tại một cách không chính thống, nghề thám tử ở Việt Nam đón nhận nhiều thành viên là những sinh viên luật mới ra trường, anh phóng viên thất nghiệp, bác chụp ảnh dạo hay thậm chí là cả… các chú xe ôm.
“Ở cái đất Sài Gòn này, có đến hàng chục công ty khẳng định họ có các dịch vụ thám tử chuyên nghiệp”, Lâm, một ‘thám tử’ xuất thân từ nghề vệ sỹ, nói. “Tất nhiên, không ít trong số đó đều làm việc khá uy tín. Nhưng nói về giấy phép… thì lại là chuyện khác”.
Ảnh minh họa.
Lâm đồng ý dẫn người viết đến thăm một số ‘văn phòng thám tử’ để tìm hiểu thêm những câu chuyện về cái nghề đã manh nha từ lâu nhưng vẫn còn chưa phổ biến này. Đỗ xịch trước cửa một công ty môi giới nhà đất, bất động sản trên đường Điện Biên Phủ, trong khi người đi cùng còn ngơ ngác, Lâm ra hiệu: “Vào đi, văn phòng thám tử đấy”. Sau khi trình bày nhu cầu, khách được đưa vào một căn phòng phía sâu bên trong bài trí khá lịch sự. Tiếp khách là một người đàn ông trung niên ăn mặc chỉnh chu. “Chúng tôi phục vụ nhiều yêu cầu của khách hàng lắm, nhưng phổ biến nhất vẫn là các hợp đồng tìm hiểu các mối quan hệ khác lạ của vợ hoặc chồng từ chính người bạn đời của họ”, T, tên vị thám tử, trả lời câu hỏi làm thân của khách. Sau một lượt trà để sơ vấn qua mục đích, T. bắt đầu thao thao các loại hình dịch vụ, và chờ quyết định của ‘thân chủ’.
“Nếu chỉ muốn thẩm định, kiểm tra tính xác thực của các thông tin, ví dụ như chuyện hôm nay ‘bà xã’ làm gì, đi đâu, trong khoảng thời gian nào, với ai… thì giá cả rất mềm, chỉ từ 4 tới 6 triệu đồng. Còn nếu muốn có những chứng cứ như thu âm, chụp ảnh, quay phim… thì giá sẽ cao hơn bởi thám tử phải sự dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ cũng như các công cụ tác nghiệp đắt tiền, lúc đó chi phi dao động từ 8 đến 12 triệu.
Trong những trường hợp đó, chúng tôi có trách nhiệm gửi lại bản báo cáo chi tiết xem ‘đương sự’ đã đến chỗ nào, bao nhiêu lần một tháng, mỗi lần bao nhiêu lâu. Ở nhiều tình huống, chúng tôi cũng có thêm các dịch vụ tư vấn hoặc hỗ trợ xử lý ‘đối phương’ khi bắt quả tang tại hiện trường… tất nhiên, sẽ có thêm các khoản phát sinh nếu cần người đi cùng khi bắt quả tang”.
Giao diện trang web một công ty cung cấp dịch vụ thám tử. Mục hôn nhân gia đình được đặt lên đầu tiên. Có đến 70% số vụ việc khách hàng cần đến dịch vụ thám tử về vấn đề này. |
Theo lời kể của T., thông thường với mỗi hợp đồng, văn phòng sẽ cử một tổ thám tử gồm 2,3 người phụ trách giám sát các hoạt động, bất kể ngày hay đêm và bất kể tình trạng thời tiết thế nào. “Vụ” nhanh nhất cũng cần tới một tuần để có báo cáo.
“Làm nghề này thì phải kiên trì đeo bám. Có nhiều khi anh em làm không công cả tuần vì những vụ bị “bể” khi bị đánh hơi hoặc cắt đuôi. Thế nên đừng nghĩ giá dịch vụ như thế là cao”.
Xuất thân… phong phú của dân “thám tử”
Chẳng cần phải tiến hành điều tra, kiểm chứng nhọc nhằn gì, mà chỉ cần gõ từ khóa “Thám tử tư” lên công cụ tìm kiếm Google, người ta đã dễ dàng nhận thấy hàng chục đơn vị cung cấp loại dịch vụ này hiện ra trước mắt. Tất cả các trang web đều được thiết kế bắt mắt, chứa đựng nhiều chiến tích của các vị “thám tử” và thể hiện thông điệp “Chúng tôi rất uy tín”.
Cần khẳng định là nghề thám tử hiện chưa có danh nghĩa chính thức ở Việt Nam. Ngay cả các hợp đồng khi được viết cũng chi ghi là “tư vấn và cung cấp thông tin”. Thậm chí hợp đồng cũng chỉ được viết khi 2 bên không tìm thấy sự tin tưởng, chứ phần lớn “thân chủ” tìm đến “thám tử” theo dạng “chỗ quen biết” hoặc “do anh A. giới thiệu”. Khi đó, chuyện tác nghiệp đơn thuần được hiểu là “giúp đỡ”.
Một công ty nghi ngờ nhân viên của mình khuất tất, một quý bà đánh hơi thấy chồng có bồ nhí, doanh nghiệp nào đó đang cạnh tranh đấu thầu công trình muốn có thông tin của đối thủ… khi có bất cứ chuyện gì “không ổn” mà không thể đường đường chính chính tìm hiểu được, người ta tìm đến các dịch vụ thám tử đang mọc lên như nấm.
Cái nhu cầu đa dạng ấy biến bất cứ ai cũng có thể trở thành “thám tử” khi nhận được những lời đề nghị béo bở. Các công ty cung cấp bảo vệ, trung tâm tư vấn hôn nhân-gia đình… trở thành những nơi nhận được nhiều yêu cầu nhất… Bên cạnh đó, những sinh viên luật mới ra trường, anh phóng viên thất nghiệp, bác chụp ảnh dạo hay thậm chí là cả… các chú xe ôm cũng đều có thể trở thành thám tử tư khi được thân chủ (vốn không muốn chi nhiều tiền) nhờ vả.
“Nhiều người tưởng là nhờ đến những thám tử nghiệp dư thì sẽ tốn ít tiền hơn, nhưng không hẳn như thế. Ở trong nghề này nhiều năm, tôi biết khá nhiều trường hợp các thân chủ vì muốn giữ thể diện, nên chỉ nhờ các anh xe ôm không quen biết… đi theo dõi vợ, chồng hoặc con cái mình. Thế nhưng, khi tìm hiểu được chân tướng sự việc, có thám tử đã quay ra… tống tiền thân chủ vì biết họ không dám để chuyện vỡ lở”, Lâm nói. “Bởi thế, dù là chuyện gì, tìm đến các văn phòng thám tử vẫn là yên tâm hơn cả”.
Nguồn Zing news
Nghề thám tử ‘chui’ ở Việt Nam
Ý kiến bạn đọc [0]
Xin dùng Gmail và để lại ý kiến của bạn